Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Gói kích cầu triệu tỷ

(Viết trên my yahoo blog 05/05/2012 08:56 am)

Việc kiềm chế lạm phát đang đi đúng hướng và căn bệnh lạm phát đã được khống chế đi vào quỹ đạo.

Tuy nhiên hiện nay còn một số ý kiến trái chiều do hiện tại hầu hết doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản và cần thiết phải có liều thuốc để cứu khẩn cấp. Doanh nghiệp sắp phá sản cần phải cứu, đó là lẽ thường và cũng là để cứu cả nền kinh tế, nhưng theo tôi thì cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Thực trạng doanh nghiệp hiện nay là hệ quả của việc để thị trường tiền tệ rơi vào khủng hoảng kể từ sau cú kích cầu đầu năm 2009 và sau đó không có động thái để chữa cháy đúng mực, thêm nữa lại còn đổ dầu vào lửa bằng việc bơm tiền ra để hạ lãi suất và cứu thanh khoản ngân hàng làm cho lạm phát càng trầm trọng và lãi suất càng tăng cao.

2. Các doanh nghiệp khó khăn cũng có lỗi một phần ở các doanh nghiệp do việc dự báo chưa được quan tâm đúng mức bởi môi trường kinh doanh luôn biến động. Nếu Doanh nghiệp dự báo được xu hướng thị trường tiền tệ và khó khăn tron tương lai thì sẽ có biện pháp phù hợp để hạn chế rủi ro.

3. Đối tượng cần được cứu là rất nhiều nhưng nguồn lực thì có hạn. Và quan trọng nhất là không làm ảnh hưởng tới việc chống lạm phát hiện tại.

Tôi đề xuất biện pháp kích cầu tối ưu như sau:

+ Áp đặt trần lãi suất huy động luôn thấp hơn lạm phát 12 tháng liền kề là 1%. Ví dụ lạm phát 12 tháng liền kề tháng 4/2012 là 10,6% thì hạ lãi suất huy động xuống 9,6%. Việc hạ lãi suất này nếu có thông tin đầy đủ thì người dân sẽ dễ dàng chấp nhận gửi ngân hàng mà không có phản ứng tiêu cực.

+ Áp đặt trần lãi suất cho vay cao hơn trần huy động là 5%. Lưu ý đây là trần chứ không phải là lãi suất cho vay thực, lãi thực có thể nhỏ hơn.

+ Áp dụng biện pháp chế tài khắt khe buộc các ngân hàng phải tuân thủ cuộc chơi.

Cùng với việc kiềm chế lạm phát hiện tại thì các mức trần lãi suất sẽ thấp dần và tiến tới trần lãi suất sẽ tự nó trở nên không cần thiết, đó là lúc có thể thả nổi lãi suất.

Lạm phát phải giảm xuống và duy trì trong khoảng 3-5% để đảm bảo lãi suất cho vay luôn ở mức thấp 7-9%.

Nếu áp dụng biện pháp này thì ngay tháng sau sẽ có lãi suất cho vay ở mức trần là 14% và đây chẳng khác gì là 1 gói kích cầu lãi suất 3-5% so với mức lãi suất cho vay hiện tại và càng về sau thì gói kích cầu này càng lớn hơn. Điều đặc biệt là gói kích cầu này là vô hạn và không có ai bị thiệt trong trường hợp này. Chỉ có người gửi tiền bị hạ lãi suất nhưng là hợp lý và tất yếu khi vấn đề lạm phát không còn đáng lo ngại. Vấn đề là cần làm biện pháp tâm lý để họ chấp nhận.

Xin nói thêm với một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp đang đình đốn, hàng tồn kho nhiều, và nguy cơ giảm phát đang hiện diện là:

- Lạm phát đang dương và trong 4 tháng đầu năm đã là gần 3%, đã gần hết dư địa lạm phát cho cả năm so với các nước phát triển rồi nên có thể nói lạm phát còn cao lắm, chưa đến mức giảm phát đâu.

- Doanh nghiệp tồn kho nhiều đó là hệ quả của trước đây với việc luôn chịu lạm phát cao và đầu tư vô tội vạ, bơm tiền để lấy tăng trưởng cho nên hàng làm ra là bán được và doanh nghiệp luôn có lãi trong khi đồng tiền lại mất giá nhanh chóng và hệ lụy cho nền kinh tế như mọi người đã thấy trong thời gian qua.

- Hàng hóa đã lập mặt bằng giá mới và sẽ cần thiết được duy trì mặt bằng giá này với biến động tăng rất nhỏ 3-5%/năm để đảm bảo sự ổn định cân bằng động so với mặt bằng giá cả hàng hóa quốc tế. Và Doanh nghiệp cần tính toán lại để loại bỏ giá trị lợi nhuận ảo từ việc lạm phát cao mang lại. Hơn nữa giá cả đã tăng rất cao 50-100% so với 3 năm trước đây rồi thì việc hạ giá một chút cũng không phải là quá thiệt thòi. Doanh nghiệp phải chấp nhận khoản lỗ này cũng giống như hầu hết người dân đã chịu lạm phát quá cao trong mấy năm qua trong khi đồng lương tăng không đáng kể. Khó khăn này là khó khăn chung của tất cả mọi người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét