Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

LẠM PHÁT THẤP LÀ CHÌA KHÓA CHO KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG CAO

(Viết trên my Yhaoo Blog 12/26/2012 06:07 pm)


Xưa nay trên sách vở và trường học và các phương tiện thông tin đại chúng tại Việt Nam đều cho rằng cần phá giá đồng tiền để kích thích sản xuất, tạo nhiều công ăn việc làm và đặt biệt là để có thành tích tăng trưởng cao. Chỉ tiêu tăng trưởng luôn được gắn với 1 chỉ tiêu lạm phát nhất định và xu hướng các nhà quản lý luôn lựa chọn tỷ lệ lạm phát khá cao nhất có thể chấp nhận được với mục đích là đạt được thành tích tăng trưởng cao.
Phá giá đồng tiền, tức là bơm tiền, luôn tạo nên lạm phát cao và do đó lãi suất luôn chạy theo lạm phát vì xu hướng là người gửi tiền mong muốn có lãi suất thực dương. Và do đó lãi suất cho vay cũng được đẩy lên tương ứng. Lãi suất cao tức là doanh nghiệp cũng phải tạo ra lợi nhuận đủ để bù đắp lãi suất đó, và hơn thế nữa muốn giữ cho tài sản không bị bốc hơi do lạm phát thì họ cũng phải tạo ra một mức lợi nhuận đủ bù lạm phát. Như vậy, Doanh nghiệp đã phải chịu thiệt thòi gấp hai lần tác hại của lạm phát, tức là họ phải tạo ra lợi nhuận gấp 2 lần tỷ lệ lạm phát, trả chi phí ngân hàng, và cuối cùng mới là lợi nhuận họ thực hưởng.
Lạm phát mức trung bình của khu vực và thế giới là khoảng 3%/năm. Vì vậy mà lãi suất cho vay ở các nước khác luôn thấp và do vậy, với mức lạm phát tại Việt Nam năm 2012 là 7% và lãi vay là 12% thì các doanh nghiệp VN đã phải chịu thua ngay trên sân nhà do doanh nghiệp VN đã phải bỏ ra một khoàn chi phí vốn cao hơn khá nhiều so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Phá giá đồng tiền, hay đẩy lạm phát cao thì xét cho cùng không kích thích được tăng trưởng, bởi lợi ích doanh nghiệp đạt được chỉ là nhất thời, ngay tại thời điểm thay đổi tỷ giá, và cũng chỉ doanh nghiệp xuất khẩu được lợi, còn doanh nghiệp nhập khẩu và các tổ chức đang nợ nước ngoài lại chịu thiệt. Xét về tổng thể thì lợi ích từ việc chênh lệch tỷ giá chưa chắc đã đủ bù đắp thiệt hại.
Năm 2012, Nhà nước VN đã kìm được lạm phát dưới 7%, đồng thời, lần đầu tiên xuất siêu và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao, cho dù năm 2012 là một năm rất khó khăn cho nền kinh tế, hầu hết doanh nghiệp thua lỗ nặng nề và nhiều doanh nghiệp lớn đứng trên bờ vực phá sản, hệ thống ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ. Xét về sức khỏe nền kinh tế thì cực kỳ nghiêm trọng, tuy nhiên xét các chỉ số vỹ mô như lạm phát, tỷ giá, xuất khẩu thì rất tốt đáng ngạc nhiên. Điều này nói lên rằng, phần lớn những yếu tố vỹ mô đạt được như trên là nhờ kiềm chế lạm phát tốt.
Như vậy, giả sử năm 2013 giữ được lạm phát rất thấp, 3% như khu vực và thế giới thì điều gì sẽ xảy ra?
Trước tiên là doanh nghiệp VN được lợi, lãi suất có thể được hạ xuống rất thấp kỷ lục chưa từng có, và sẽ đạt được sự bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài về chi phí vốn, tăng sức cạnh tranh cho hàng SX trong nước, và do đó sẽ kích thích sản xuất trong nước, kích thích xuất khẩu. Sản xuất phát triển, xuất khẩu được tăng trưởng về căn bản sẽ góp phần lớn cho tăng trưởng GDP bền vững.
Lãi suất thấp sẽ kích thích đầu tư do chi phí vốn thấp, chỉ cần tạo ra giá trị gia tăng  thấp thì cũng có thể có lãi, và điều này sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các thành phần kinh tế, thay thế cho dòng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước - vốn đã không hiệu quả và tạo cơ hội cho tham nhũng, và nguồn vốn ngân sách là có hạn và không thể tăng mãi được. Làn sóng đầu tư này không ngừng nghỉ, hiệu quả, sẽ là cái nôi căn bản cho 1 nền kinh tế VN tăng trưởng bền vững.
Lạm phát thấp cũng tạo ra tâm lý cho các dòng vốn ngoại yên tâm khi bỏ vốn đầu tư tại VN không lo khoản đầu tư của mình bị teo tóp do tỷ giá thay đổi.
Có nhiều ý kiến cho rằng cần phải duy trì lạm phát khoảng 7% để có thành tích tăng trưởng GDP. Tôi cho rằng xét về tổng thể thì nếu trong trường hợp này GDP có tăng trưởng 7% thì chính là do hàng hóa bị mất giá, và khi tính giá trị sản phẩm đã bao gồm lạm phát trong đó. Như vậy xét về khối lượng sản phẩm thì không tăng, mà ở đây chỉ tăng về giá – tăng ảo.
Cùng với trường phái muốn lạm phát cao này, họ cho rằng sẽ kích thích sản xuất, tạo ra nhiều việc làm. Tôi cho rằng, như đã phân tích ở trên thì chẳng hề có chuyện kích thích sản xuất nhờ phá giá đồng tiền, và đương nhiên sản xuất không phát triển thì số việc làm cũng chẳng thể tăng lên.
Một ý kiến khá thú vị cho rằng khi bơm tiền thì theo nguyên tắc thẩm thấu thì dòng tiền sẽ chu chuyển trong nền kinh tế và làm cho nền kinh tế khỏe khoắn lên và do đó kinh tế sẽ phát triển mạnh. Thực ra thì theo tôi, ý kiến này cũng chỉ đúng một phần và đúng trong 1 thời điểm, nhưng nếu dòng tiền này cứ duy trì thì sẽ tạo ra mất cân bằng tiền – hàng và lạm phát tăng là chắc chắn, và hệ lụy của lạm phát thì ai cũng đã được nếm trải.
Lạm phát thấp sẽ kéo theo lãi suất thấp, điều này sẽ kích thích dòng tiền nhàn rỗi đầu tư vào thị trường chứng khoán và VNINDEX có trị số 1000-3000 là trong tầm tay.
Dưới đây là mối tương quan cơ bản giữa VNINDEX và lãi suất:
Kết luận:
- Chính sách tỷ giá, bơm – hút tiền tệ chỉ nên sử dụng ngắn hạn và chỉ để giải quyết một vấn đề trong ngắn hạn và sau đó phải trả thị trường về trạng thái cân bằng để không gây mất cân đối tiền – hàng tạo nên lạm phát.
- Chính sách trung và dài hạn là phải duy trì lạm phát thật thấp ngang bằng với mức bình quân của thế giới, song song với điều hành thị trường lãi suất hợp lý để ổn định vỹ mô, nền kinh tế phát triển ổn định, kích thích đầu tư, kích thích sản xuất.
Nếu như làm được những điều này thì tôi tin rằng chỉ trong vòng 5 năm, kinh tế VN sẽ hóa rồng, tốc độ tăng trưởng sẽ cực cao không ngờ tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét