Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Thả nổi tỷ giá, tại sao không?

(Viết trên my yahoo blog 05/19/2011 06:25 am)


Từ trước tới nay chính sách tiền tệ của nước ta là neo tỷ giá đồng USD. Chính sách này có cái lợi là dễ thực thi bằng biện pháp hành chính và có thể phá giá nhẹ tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu.
Tuy nhiên thị trường luôn vận động theo quy luật của nó và bằng chứng là xuất hiện thị trường ngoại tệ chợ đen và Chính phủ đã rất vất vả mới bình ổn được và liệu thị trường ngoại tệ có ổn dịnh bền vững hay ko thì cần phải để thời gian trả lời.
Hệ lụy của chính sách neo tỷ giá đồng USD là tạo ra sự ổn định giả tạo cho thị trường tiền tệ. sự gỉa tạo đó thể hiện ở việc trị giá tiền đồng gắn với trị giá tiền USD – chính phủ ấn định trị giá, nhưng thực sự lại không phải vậy. Ở cơ chế thị trường thì tất cả các hàng hóa đều do thị trường định giá, kể cả đồng tiền. Việc ấn định trị giá tiền đồng chênh lệch nhiều so với gía trị tiền đồng do thị trường định giá sẽ tạo ra các chính sách sai lầm và tạo nên bất ổn thị trường tiền tệ không thể kiểm soát được. Bằng chứng là thời gian gần đây Chính phủ bất lực với lạm phát, lãi suất ngân hàng và nhập siêu.
Tại sao tôi lại đề cập đến việc thả nổi tỷ giá trong giai đoạn rối ren như thế này? liệu có chuyện tỷ giá sẽ tăng vọt lên khủng khiếp sau khi thả nổi tỷ giá? Theo tôi thì việc thả nổi tỷ giá là hoàn toàn có thể làm được mà không hề xảy ra biến động lớn trên thị trường tiền tệ.
Về vấn đề nhập siêu: khi thả nổi tỷ giá thì nếu nhập siêu tăng lên, tỷ giá ngoại tệ tự nhiên tăng do khan hiếm và tự nó sẽ hạn chế nhập siêu, vì khi đó hàng nhập sẽ đắt hơn hàng trong nước và do đó thị trường sẽ tự kéo về điểm tỷ giá ổn định. Vậy thì tỷ giá ổn định là điểm nào?  
Như tôi đã nói ở trên, cái sai lầm là ở chỗ ấn định tỷ giá. Nhà điều hành cũng coi rằng ổn định tỷ giá là ổn định thị trường tiền tệ. Điều này người dân cứ tưởng rằng giá trị tiền đồng là quy chiếu theo USD và khi tỷ giá biến động thì họ coi rằng đồng tiền Việt Nam mất giá. Sự hiểu khập khiễng này cùng với ấn định giá trị tiền đồng phi thực tế, phi thị trường như đã nói ở trên sẽ tạo ra tâm lý lo sợ và họ trú ẩn tài sản của mình ở ngoại tệ, vàng và BĐS, và đồng thời giá cả hàng hóa cũng tăng theo tương ứng.
Vậy thì làm sao có thể thả nổi tỷ giá mà không gây bất ổn thị trường?
Theo tôi cách làm cũng khá đơn giản. Muốn thả nổi tỷ giá, trước hết phải kéo giá trị thực đồng tiền VN về giá trị danh nghĩa, đồng thời xác định giá trị thực của đồng tiền dựa trên chỉ số CPI.
Chỉ số CPI là giá cả thị trường theo đồng tiền VN và do đó rổ hàng hóa hoàn toàn có thể đại diện cho giá trị của đồng tiền VN.
Xây dựng cơ chế điều hành thị trường tiền tệ dựa trên chỉ số CPI và neo chỉ số CPI ở mức độ tăng vừa phải theo thông lệ thế giới.
Sẽ có người thắc mắc là làm sao neo được chỉ số CPI khi mà hiện tại lạm phát đang phi mã mà dường như Chính phủ bó tay? Thực ra, theo tôi thì việc neo chỉ số CPI không hề khó. Lấy việc điều chỉnh DTBB làm công cụ điều chỉnh cho mục tiêu trung và dài hạn, các công cụ trên thị trường mở cho điều chỉnh mục tiêu ngắn hạn, cùng với việc thả nổi lãi suất tiền đồng sẽ đưa được tốc độ tăng chỉ số CPI về quỹ đạo. Xây dựng mô hình thị trường tiền tệ, mô phỏng trên máy tính để thử nghiệm việc thực thi chính sách.
Nhiều chuyên gia cho rằng độ trễ chính sách tiền tệ là 3-6 tháng, theo tôi thì nếu điều hành tốt, dự báo được biến động thị trường với việc sử dụng mô hình mô phỏng thị trường thì có thể độ trễ sẽ được rút ngắn lại chỉ còn trong 2-3 tháng, thậm chí 1-2 tháng. Lý thuyết này trong khoa học điều khiển gọi là rút ngắn thời gian quá độ. Diễn giải cho việc rút ngắn thời gian quá độ đó là đi trước thị trường, dùng chính sách đối trọng để đưa thị trường vào quỹ đạo điều khiển, ví dụ như nếu đợt tăng giá xăng, điều chỉnh tỷ giá vừa rồi nếu như có chính sách đối trọng như tăng DTBB hay tăng lãi suất huy động, lãi suất trên TT mở, tăng hút tiền qua OMO thì sẽ không tạo ra tình trạng lạm phát phi mã như thời gian vừa qua.
Ổn định được chỉ số CPI tức là ổn định được giá trị đồng tiền, cho dù tỷ giá có đi đến đâu thì CPI vẫn không bị ảnh hưởng, và do đó, nhà điều hành sẽ không vất vả trong việc điều hành TT tiền tệ. Nói không ngoa rằng nhà điều hành chỉ cần sáng ra đi uống café, trưa về điều chỉnh chính sách, chiều đi đánh tenis cũng có thể giữ được ổn định thị trường tiền tệ.
Khi đã ổn định CPI trong quỹ đạo thì các việc còn lại là khá đơn giản. nhà điều hành có thể dùng các công cụ thị trường, công cụ hành chính để ổn định thêm cho thị trường ngoại hối, lãi suất ngân hàng,…
Cái lợi của việc duy trì được tốc độ tăng CPI thấp đó là tạo được lòng tin của người dân và tiền đồng, CPI thấp thì lãi suất ngân hàng sẽ tự nó giảm về gần sát với tốc độ tăng CPI. Ví dụ CPI 3%/năm thì lãi suất huy động của ngân hàng sẽ giảm về khoảng 5-6%, và lãi suất cho vay sẽ khoảng 7-8%. Và chính điều này sẽ làm cho cả nền kinh tế được lợi. Sản xuất sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ lãi suất vay không còn là gánh nặng. các Doanh nghiệp chỉ cần tạo ra GTGT 10%/năm là họ có lãi. Khác hẳn với bây giờ thì cần phải tạo ra GTGT 25%/năm mới có lãi. Sản xuất trong nước có lãi hơn sẽ kích thích các nhà nhập khẩu hạn chế nhập khẩu và quay về tự sản xuất. Theo tôi vấn đề công nghệ không phải là khó bởi hoàn toàn có thể mua được. Hiện nay các DN thích nhập hàng về bán hơn cũng có lý do ở sự bất ổn của TT tiền tệ như đã nói ở trên.
Quay trở lại với vấn đề thả nổi tỷ giá ở trên, giá trị tỷ giá cân bằng liệu có biến động qúa lớn gây bất ổn không? Theo tôi là không nếu như không có sự lũng đoạn của các tổ chức tài chính và có sự điều tiết vừa phải của chính phủ. Và lúc này tỷ giá sẽ không còn là vấn đề nóng và quan hệ giữa tiền đồng và tất cả các ngoại tệ khác là bình đẳng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét