Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Tam quyền phân lập

(đăng trên my Yahoo blog 10/26/2012 03:05 pm - nguồn: trích lược từ Wikipedia)


Tam quyền phân lập hay còn hiểu theo nghĩa phân chia quyền lực là một khái niệm đã được biết đến từ lâu nhờ sự xuất hiện của các bản Hiến pháp Tư sản, trong đó nổi bật là Hiến pháp Hoa Kỳ. Các quy định trong những bản hiến pháp tạo cơ sở thừa nhận sự tồn tại độc lập, kiềm chế lẫn nhau giữa 3 cơ quan: lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tổ chức song song với nhau, và qua đó kiểm tra, giám sát hoạt động lẫn nhau. Theo thể chế này, không một cơ quan nào có quyền lực tuyệt đối trong sinh hoạt chính trị của quốc gia.

Khái niệm này lần đầu được đưa ra bởi nhà nghiên cứu chính trị người Pháp tên Charles de Secondat, Nam tước de Montesquieu. Khái niệm tam quyền phân lập sau này được mở rộng cho cơ chế điều hành đất nước với nhiều hơn hay ít hơn ba nhánh cầm quyền.

Thuyết tam quyền phân lập xuất hiện lần đầu tiên bởi nhà bác học vĩ đại của Hy Lạp Aristote. Theo Aristote, nhà nước quản lý xã hội bằng 3 phương pháp: luật pháp, hành pháp và phân xử.

Ông cho rằng, không có loại hình chính phủ nào là duy nhất có thể phù hợp với tất cả các thời đại và các quốc gia. Ông phân chính phủ theo tiêu chuẩn số lượng (số người cầm quyền) và chất lượng (mục đích của sự cầm quyền) - kết hợp 2 mặt đó, các chính phủ có thể xếp theo 2 loại: chân chính (quân chủ, quý tộc, cộng hoà) và biến chất (độc tài, quá đầu, dân trị)

Bên cạnh Aristote, bàn về thuyết ”tam quyền phân lập” còn có John Locke. Theo ông, quyền lực của nhà nước là quyền lực của nhân dân. Nhân dân nhường một phần quyền của mình cho nhà nước qua khế ước. Và để chống độc tài phải thực hiện sự phân quyền. Kế thừa tư tưởng phân quyền của Aristote, Locke cho rằng, quyền lực phải phân chia theo 3 lĩnh vực: lập pháp, hành pháp và liên hợp.

Từ thế kỷ 18, nhà tư tưởng vĩ đại người Pháp Montesquieu, đã phát triển thuyết tam quyền phân lập trở thành một học thuyết độc lập. Tiếp thu và phát triển tư tưởng về thể chế chính trị tự do, chống chuyên chế, Mongtesquieu xây dựng học thuyết phân quyền với mục đích tạo dựng những thể chế chính trị đảm bảo tự do cho các công dân.

Theo ông, tự do chính trị của công dân là quyền mà người ta có thể làm mọi cái mà pháp luật cho phép. Pháp luật là thước đo của tự do. Cũng như Aristote và J. Locke, Mongtesquieu cho rằng, thể chế chính trị tự do là thể chế mà trong đó, quyền lực tối cao được phân thành 3 quyền : lập pháp, hành pháp và tư pháp.
  •              Lập pháp: biểu hiện ý chí chung của quốc gia . Nó thuộc về toàn thể nhân dân, được trao cho hội nghị đại biểu nhân dân - Quốc hội
  •         Hành pháp: Là việc thực hiện luật pháp đã được thiết lập.
  •           Tư pháp: là để trừng trị tội phạm và giải quyết sự xung đột giữa các cá nhân. Các thẩm phán được lựa chọn từ dân và xử án chỉ tuân theo pháp luật.

Tư tưởng phân quyền của Mongtesquieu là đối thủ đáng sợ của chủ nghĩa chuyên chế phong kiến và có thể khẳng định ông là người đã phát triển và hoàn thiện thuyết: ”tam quyền phân lập”. Học thuyết về sự phân chia quyền lực gắn liền với lí luận về pháp luật tự nhiên đã đóng vai trò quyết định trong lịch sử đấu tranh của giai cấp tư sản chống lại sự độc đoán, chuyên quyền của nhà vua.

Cùng với sự hình thành chế độ tư bản, nguyên tắc "phân chia quyền lực" đã trở thành một trong những nguyên tắc chính của chủ nghĩa lập hiến tư sản, lần đầu tiên được thể hiện trong các đạo luật mang tính hiến định của cuộc Cách mạng Pháp và sau đó thể hiện đầy đủ trong Hiến pháp Hoa Kỳ 1787. Học thuyết pháp luật - chính trị (thuyết "phân quyền") với quyền lực nhà nước được hiểu không phải là một thể thống nhất, mà là sự phân chia thành 3 quyền: quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, các quyền này được thực hiện độc lập với nhau, kiểm soát lẫn nhau, kiềm chế lẫn nhau. Trên thực tế, việc phân chia quyền lực trong bộ máy nhà nước được áp dụng khác nhau trong hệ thống các nước cộng hoà tổng thống, theo nguyên tắc "kiềm chế và đối trọng", tức là các quyền kiểm tra và giám sát lẫn nhau, tạo ra sự cân bằng giữa các quyền.

Nội dung cốt lõi của học thuyết này cho rằng, quyền lực nhà nước luôn có xu hướng tự mở rộng, tự tăng cường vai trò của mình. Bất cứ ở đâu có quyền lực là xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, cho dù quyền lực ấy thuộc về ai. Do vậy, để đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, ngăn ngừa các hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước thì phải thiết lập pháp chế nhằm giới hạn quyền lực nhà nước. Cách tốt nhất để chống lạm quyền là giới hạn quyền lực bằng các công cụ pháp lý và cách thực hiện không phải là tập trung quyền lực, mà là phân chia nó ra.

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

Thả nổi tỷ giá, tại sao không?

(Viết trên my yahoo blog 05/19/2011 06:25 am)


Từ trước tới nay chính sách tiền tệ của nước ta là neo tỷ giá đồng USD. Chính sách này có cái lợi là dễ thực thi bằng biện pháp hành chính và có thể phá giá nhẹ tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu.
Tuy nhiên thị trường luôn vận động theo quy luật của nó và bằng chứng là xuất hiện thị trường ngoại tệ chợ đen và Chính phủ đã rất vất vả mới bình ổn được và liệu thị trường ngoại tệ có ổn dịnh bền vững hay ko thì cần phải để thời gian trả lời.
Hệ lụy của chính sách neo tỷ giá đồng USD là tạo ra sự ổn định giả tạo cho thị trường tiền tệ. sự gỉa tạo đó thể hiện ở việc trị giá tiền đồng gắn với trị giá tiền USD – chính phủ ấn định trị giá, nhưng thực sự lại không phải vậy. Ở cơ chế thị trường thì tất cả các hàng hóa đều do thị trường định giá, kể cả đồng tiền. Việc ấn định trị giá tiền đồng chênh lệch nhiều so với gía trị tiền đồng do thị trường định giá sẽ tạo ra các chính sách sai lầm và tạo nên bất ổn thị trường tiền tệ không thể kiểm soát được. Bằng chứng là thời gian gần đây Chính phủ bất lực với lạm phát, lãi suất ngân hàng và nhập siêu.
Tại sao tôi lại đề cập đến việc thả nổi tỷ giá trong giai đoạn rối ren như thế này? liệu có chuyện tỷ giá sẽ tăng vọt lên khủng khiếp sau khi thả nổi tỷ giá? Theo tôi thì việc thả nổi tỷ giá là hoàn toàn có thể làm được mà không hề xảy ra biến động lớn trên thị trường tiền tệ.
Về vấn đề nhập siêu: khi thả nổi tỷ giá thì nếu nhập siêu tăng lên, tỷ giá ngoại tệ tự nhiên tăng do khan hiếm và tự nó sẽ hạn chế nhập siêu, vì khi đó hàng nhập sẽ đắt hơn hàng trong nước và do đó thị trường sẽ tự kéo về điểm tỷ giá ổn định. Vậy thì tỷ giá ổn định là điểm nào?  
Như tôi đã nói ở trên, cái sai lầm là ở chỗ ấn định tỷ giá. Nhà điều hành cũng coi rằng ổn định tỷ giá là ổn định thị trường tiền tệ. Điều này người dân cứ tưởng rằng giá trị tiền đồng là quy chiếu theo USD và khi tỷ giá biến động thì họ coi rằng đồng tiền Việt Nam mất giá. Sự hiểu khập khiễng này cùng với ấn định giá trị tiền đồng phi thực tế, phi thị trường như đã nói ở trên sẽ tạo ra tâm lý lo sợ và họ trú ẩn tài sản của mình ở ngoại tệ, vàng và BĐS, và đồng thời giá cả hàng hóa cũng tăng theo tương ứng.
Vậy thì làm sao có thể thả nổi tỷ giá mà không gây bất ổn thị trường?
Theo tôi cách làm cũng khá đơn giản. Muốn thả nổi tỷ giá, trước hết phải kéo giá trị thực đồng tiền VN về giá trị danh nghĩa, đồng thời xác định giá trị thực của đồng tiền dựa trên chỉ số CPI.
Chỉ số CPI là giá cả thị trường theo đồng tiền VN và do đó rổ hàng hóa hoàn toàn có thể đại diện cho giá trị của đồng tiền VN.
Xây dựng cơ chế điều hành thị trường tiền tệ dựa trên chỉ số CPI và neo chỉ số CPI ở mức độ tăng vừa phải theo thông lệ thế giới.
Sẽ có người thắc mắc là làm sao neo được chỉ số CPI khi mà hiện tại lạm phát đang phi mã mà dường như Chính phủ bó tay? Thực ra, theo tôi thì việc neo chỉ số CPI không hề khó. Lấy việc điều chỉnh DTBB làm công cụ điều chỉnh cho mục tiêu trung và dài hạn, các công cụ trên thị trường mở cho điều chỉnh mục tiêu ngắn hạn, cùng với việc thả nổi lãi suất tiền đồng sẽ đưa được tốc độ tăng chỉ số CPI về quỹ đạo. Xây dựng mô hình thị trường tiền tệ, mô phỏng trên máy tính để thử nghiệm việc thực thi chính sách.
Nhiều chuyên gia cho rằng độ trễ chính sách tiền tệ là 3-6 tháng, theo tôi thì nếu điều hành tốt, dự báo được biến động thị trường với việc sử dụng mô hình mô phỏng thị trường thì có thể độ trễ sẽ được rút ngắn lại chỉ còn trong 2-3 tháng, thậm chí 1-2 tháng. Lý thuyết này trong khoa học điều khiển gọi là rút ngắn thời gian quá độ. Diễn giải cho việc rút ngắn thời gian quá độ đó là đi trước thị trường, dùng chính sách đối trọng để đưa thị trường vào quỹ đạo điều khiển, ví dụ như nếu đợt tăng giá xăng, điều chỉnh tỷ giá vừa rồi nếu như có chính sách đối trọng như tăng DTBB hay tăng lãi suất huy động, lãi suất trên TT mở, tăng hút tiền qua OMO thì sẽ không tạo ra tình trạng lạm phát phi mã như thời gian vừa qua.
Ổn định được chỉ số CPI tức là ổn định được giá trị đồng tiền, cho dù tỷ giá có đi đến đâu thì CPI vẫn không bị ảnh hưởng, và do đó, nhà điều hành sẽ không vất vả trong việc điều hành TT tiền tệ. Nói không ngoa rằng nhà điều hành chỉ cần sáng ra đi uống café, trưa về điều chỉnh chính sách, chiều đi đánh tenis cũng có thể giữ được ổn định thị trường tiền tệ.
Khi đã ổn định CPI trong quỹ đạo thì các việc còn lại là khá đơn giản. nhà điều hành có thể dùng các công cụ thị trường, công cụ hành chính để ổn định thêm cho thị trường ngoại hối, lãi suất ngân hàng,…
Cái lợi của việc duy trì được tốc độ tăng CPI thấp đó là tạo được lòng tin của người dân và tiền đồng, CPI thấp thì lãi suất ngân hàng sẽ tự nó giảm về gần sát với tốc độ tăng CPI. Ví dụ CPI 3%/năm thì lãi suất huy động của ngân hàng sẽ giảm về khoảng 5-6%, và lãi suất cho vay sẽ khoảng 7-8%. Và chính điều này sẽ làm cho cả nền kinh tế được lợi. Sản xuất sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ lãi suất vay không còn là gánh nặng. các Doanh nghiệp chỉ cần tạo ra GTGT 10%/năm là họ có lãi. Khác hẳn với bây giờ thì cần phải tạo ra GTGT 25%/năm mới có lãi. Sản xuất trong nước có lãi hơn sẽ kích thích các nhà nhập khẩu hạn chế nhập khẩu và quay về tự sản xuất. Theo tôi vấn đề công nghệ không phải là khó bởi hoàn toàn có thể mua được. Hiện nay các DN thích nhập hàng về bán hơn cũng có lý do ở sự bất ổn của TT tiền tệ như đã nói ở trên.
Quay trở lại với vấn đề thả nổi tỷ giá ở trên, giá trị tỷ giá cân bằng liệu có biến động qúa lớn gây bất ổn không? Theo tôi là không nếu như không có sự lũng đoạn của các tổ chức tài chính và có sự điều tiết vừa phải của chính phủ. Và lúc này tỷ giá sẽ không còn là vấn đề nóng và quan hệ giữa tiền đồng và tất cả các ngoại tệ khác là bình đẳng

Gói kích cầu triệu tỷ

(Viết trên my yahoo blog 05/05/2012 08:56 am)

Việc kiềm chế lạm phát đang đi đúng hướng và căn bệnh lạm phát đã được khống chế đi vào quỹ đạo.

Tuy nhiên hiện nay còn một số ý kiến trái chiều do hiện tại hầu hết doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản và cần thiết phải có liều thuốc để cứu khẩn cấp. Doanh nghiệp sắp phá sản cần phải cứu, đó là lẽ thường và cũng là để cứu cả nền kinh tế, nhưng theo tôi thì cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Thực trạng doanh nghiệp hiện nay là hệ quả của việc để thị trường tiền tệ rơi vào khủng hoảng kể từ sau cú kích cầu đầu năm 2009 và sau đó không có động thái để chữa cháy đúng mực, thêm nữa lại còn đổ dầu vào lửa bằng việc bơm tiền ra để hạ lãi suất và cứu thanh khoản ngân hàng làm cho lạm phát càng trầm trọng và lãi suất càng tăng cao.

2. Các doanh nghiệp khó khăn cũng có lỗi một phần ở các doanh nghiệp do việc dự báo chưa được quan tâm đúng mức bởi môi trường kinh doanh luôn biến động. Nếu Doanh nghiệp dự báo được xu hướng thị trường tiền tệ và khó khăn tron tương lai thì sẽ có biện pháp phù hợp để hạn chế rủi ro.

3. Đối tượng cần được cứu là rất nhiều nhưng nguồn lực thì có hạn. Và quan trọng nhất là không làm ảnh hưởng tới việc chống lạm phát hiện tại.

Tôi đề xuất biện pháp kích cầu tối ưu như sau:

+ Áp đặt trần lãi suất huy động luôn thấp hơn lạm phát 12 tháng liền kề là 1%. Ví dụ lạm phát 12 tháng liền kề tháng 4/2012 là 10,6% thì hạ lãi suất huy động xuống 9,6%. Việc hạ lãi suất này nếu có thông tin đầy đủ thì người dân sẽ dễ dàng chấp nhận gửi ngân hàng mà không có phản ứng tiêu cực.

+ Áp đặt trần lãi suất cho vay cao hơn trần huy động là 5%. Lưu ý đây là trần chứ không phải là lãi suất cho vay thực, lãi thực có thể nhỏ hơn.

+ Áp dụng biện pháp chế tài khắt khe buộc các ngân hàng phải tuân thủ cuộc chơi.

Cùng với việc kiềm chế lạm phát hiện tại thì các mức trần lãi suất sẽ thấp dần và tiến tới trần lãi suất sẽ tự nó trở nên không cần thiết, đó là lúc có thể thả nổi lãi suất.

Lạm phát phải giảm xuống và duy trì trong khoảng 3-5% để đảm bảo lãi suất cho vay luôn ở mức thấp 7-9%.

Nếu áp dụng biện pháp này thì ngay tháng sau sẽ có lãi suất cho vay ở mức trần là 14% và đây chẳng khác gì là 1 gói kích cầu lãi suất 3-5% so với mức lãi suất cho vay hiện tại và càng về sau thì gói kích cầu này càng lớn hơn. Điều đặc biệt là gói kích cầu này là vô hạn và không có ai bị thiệt trong trường hợp này. Chỉ có người gửi tiền bị hạ lãi suất nhưng là hợp lý và tất yếu khi vấn đề lạm phát không còn đáng lo ngại. Vấn đề là cần làm biện pháp tâm lý để họ chấp nhận.

Xin nói thêm với một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp đang đình đốn, hàng tồn kho nhiều, và nguy cơ giảm phát đang hiện diện là:

- Lạm phát đang dương và trong 4 tháng đầu năm đã là gần 3%, đã gần hết dư địa lạm phát cho cả năm so với các nước phát triển rồi nên có thể nói lạm phát còn cao lắm, chưa đến mức giảm phát đâu.

- Doanh nghiệp tồn kho nhiều đó là hệ quả của trước đây với việc luôn chịu lạm phát cao và đầu tư vô tội vạ, bơm tiền để lấy tăng trưởng cho nên hàng làm ra là bán được và doanh nghiệp luôn có lãi trong khi đồng tiền lại mất giá nhanh chóng và hệ lụy cho nền kinh tế như mọi người đã thấy trong thời gian qua.

- Hàng hóa đã lập mặt bằng giá mới và sẽ cần thiết được duy trì mặt bằng giá này với biến động tăng rất nhỏ 3-5%/năm để đảm bảo sự ổn định cân bằng động so với mặt bằng giá cả hàng hóa quốc tế. Và Doanh nghiệp cần tính toán lại để loại bỏ giá trị lợi nhuận ảo từ việc lạm phát cao mang lại. Hơn nữa giá cả đã tăng rất cao 50-100% so với 3 năm trước đây rồi thì việc hạ giá một chút cũng không phải là quá thiệt thòi. Doanh nghiệp phải chấp nhận khoản lỗ này cũng giống như hầu hết người dân đã chịu lạm phát quá cao trong mấy năm qua trong khi đồng lương tăng không đáng kể. Khó khăn này là khó khăn chung của tất cả mọi người.

LẠM PHÁT THẤP LÀ CHÌA KHÓA CHO KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG CAO

(Viết trên my Yhaoo Blog 12/26/2012 06:07 pm)


Xưa nay trên sách vở và trường học và các phương tiện thông tin đại chúng tại Việt Nam đều cho rằng cần phá giá đồng tiền để kích thích sản xuất, tạo nhiều công ăn việc làm và đặt biệt là để có thành tích tăng trưởng cao. Chỉ tiêu tăng trưởng luôn được gắn với 1 chỉ tiêu lạm phát nhất định và xu hướng các nhà quản lý luôn lựa chọn tỷ lệ lạm phát khá cao nhất có thể chấp nhận được với mục đích là đạt được thành tích tăng trưởng cao.
Phá giá đồng tiền, tức là bơm tiền, luôn tạo nên lạm phát cao và do đó lãi suất luôn chạy theo lạm phát vì xu hướng là người gửi tiền mong muốn có lãi suất thực dương. Và do đó lãi suất cho vay cũng được đẩy lên tương ứng. Lãi suất cao tức là doanh nghiệp cũng phải tạo ra lợi nhuận đủ để bù đắp lãi suất đó, và hơn thế nữa muốn giữ cho tài sản không bị bốc hơi do lạm phát thì họ cũng phải tạo ra một mức lợi nhuận đủ bù lạm phát. Như vậy, Doanh nghiệp đã phải chịu thiệt thòi gấp hai lần tác hại của lạm phát, tức là họ phải tạo ra lợi nhuận gấp 2 lần tỷ lệ lạm phát, trả chi phí ngân hàng, và cuối cùng mới là lợi nhuận họ thực hưởng.
Lạm phát mức trung bình của khu vực và thế giới là khoảng 3%/năm. Vì vậy mà lãi suất cho vay ở các nước khác luôn thấp và do vậy, với mức lạm phát tại Việt Nam năm 2012 là 7% và lãi vay là 12% thì các doanh nghiệp VN đã phải chịu thua ngay trên sân nhà do doanh nghiệp VN đã phải bỏ ra một khoàn chi phí vốn cao hơn khá nhiều so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Phá giá đồng tiền, hay đẩy lạm phát cao thì xét cho cùng không kích thích được tăng trưởng, bởi lợi ích doanh nghiệp đạt được chỉ là nhất thời, ngay tại thời điểm thay đổi tỷ giá, và cũng chỉ doanh nghiệp xuất khẩu được lợi, còn doanh nghiệp nhập khẩu và các tổ chức đang nợ nước ngoài lại chịu thiệt. Xét về tổng thể thì lợi ích từ việc chênh lệch tỷ giá chưa chắc đã đủ bù đắp thiệt hại.
Năm 2012, Nhà nước VN đã kìm được lạm phát dưới 7%, đồng thời, lần đầu tiên xuất siêu và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao, cho dù năm 2012 là một năm rất khó khăn cho nền kinh tế, hầu hết doanh nghiệp thua lỗ nặng nề và nhiều doanh nghiệp lớn đứng trên bờ vực phá sản, hệ thống ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ. Xét về sức khỏe nền kinh tế thì cực kỳ nghiêm trọng, tuy nhiên xét các chỉ số vỹ mô như lạm phát, tỷ giá, xuất khẩu thì rất tốt đáng ngạc nhiên. Điều này nói lên rằng, phần lớn những yếu tố vỹ mô đạt được như trên là nhờ kiềm chế lạm phát tốt.
Như vậy, giả sử năm 2013 giữ được lạm phát rất thấp, 3% như khu vực và thế giới thì điều gì sẽ xảy ra?
Trước tiên là doanh nghiệp VN được lợi, lãi suất có thể được hạ xuống rất thấp kỷ lục chưa từng có, và sẽ đạt được sự bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài về chi phí vốn, tăng sức cạnh tranh cho hàng SX trong nước, và do đó sẽ kích thích sản xuất trong nước, kích thích xuất khẩu. Sản xuất phát triển, xuất khẩu được tăng trưởng về căn bản sẽ góp phần lớn cho tăng trưởng GDP bền vững.
Lãi suất thấp sẽ kích thích đầu tư do chi phí vốn thấp, chỉ cần tạo ra giá trị gia tăng  thấp thì cũng có thể có lãi, và điều này sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các thành phần kinh tế, thay thế cho dòng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước - vốn đã không hiệu quả và tạo cơ hội cho tham nhũng, và nguồn vốn ngân sách là có hạn và không thể tăng mãi được. Làn sóng đầu tư này không ngừng nghỉ, hiệu quả, sẽ là cái nôi căn bản cho 1 nền kinh tế VN tăng trưởng bền vững.
Lạm phát thấp cũng tạo ra tâm lý cho các dòng vốn ngoại yên tâm khi bỏ vốn đầu tư tại VN không lo khoản đầu tư của mình bị teo tóp do tỷ giá thay đổi.
Có nhiều ý kiến cho rằng cần phải duy trì lạm phát khoảng 7% để có thành tích tăng trưởng GDP. Tôi cho rằng xét về tổng thể thì nếu trong trường hợp này GDP có tăng trưởng 7% thì chính là do hàng hóa bị mất giá, và khi tính giá trị sản phẩm đã bao gồm lạm phát trong đó. Như vậy xét về khối lượng sản phẩm thì không tăng, mà ở đây chỉ tăng về giá – tăng ảo.
Cùng với trường phái muốn lạm phát cao này, họ cho rằng sẽ kích thích sản xuất, tạo ra nhiều việc làm. Tôi cho rằng, như đã phân tích ở trên thì chẳng hề có chuyện kích thích sản xuất nhờ phá giá đồng tiền, và đương nhiên sản xuất không phát triển thì số việc làm cũng chẳng thể tăng lên.
Một ý kiến khá thú vị cho rằng khi bơm tiền thì theo nguyên tắc thẩm thấu thì dòng tiền sẽ chu chuyển trong nền kinh tế và làm cho nền kinh tế khỏe khoắn lên và do đó kinh tế sẽ phát triển mạnh. Thực ra thì theo tôi, ý kiến này cũng chỉ đúng một phần và đúng trong 1 thời điểm, nhưng nếu dòng tiền này cứ duy trì thì sẽ tạo ra mất cân bằng tiền – hàng và lạm phát tăng là chắc chắn, và hệ lụy của lạm phát thì ai cũng đã được nếm trải.
Lạm phát thấp sẽ kéo theo lãi suất thấp, điều này sẽ kích thích dòng tiền nhàn rỗi đầu tư vào thị trường chứng khoán và VNINDEX có trị số 1000-3000 là trong tầm tay.
Dưới đây là mối tương quan cơ bản giữa VNINDEX và lãi suất:
Kết luận:
- Chính sách tỷ giá, bơm – hút tiền tệ chỉ nên sử dụng ngắn hạn và chỉ để giải quyết một vấn đề trong ngắn hạn và sau đó phải trả thị trường về trạng thái cân bằng để không gây mất cân đối tiền – hàng tạo nên lạm phát.
- Chính sách trung và dài hạn là phải duy trì lạm phát thật thấp ngang bằng với mức bình quân của thế giới, song song với điều hành thị trường lãi suất hợp lý để ổn định vỹ mô, nền kinh tế phát triển ổn định, kích thích đầu tư, kích thích sản xuất.
Nếu như làm được những điều này thì tôi tin rằng chỉ trong vòng 5 năm, kinh tế VN sẽ hóa rồng, tốc độ tăng trưởng sẽ cực cao không ngờ tới.